Sự nghiệp ở Nhật Kōtetsu (tàu bọc thép Nhật)

Kōtetsu đến cảng Shinagawa vào tháng 4 năm 1868,[10] và được giao cho chính quyền Mạc Phủ nhằm củng cố quá trình hiện đại hóa lục quân và hải quân của họ. Mạc phủ đã trả trước $30 000 với một khoảng $10 000 sẽ được trả nốt sau khi nhận được tàu. Khi cuộc chiến tranh nổ ra giữa phe theo Mạc phủ và phe theo Thiên Hoàng, các cường quốc phương Tây liền đứng ở thế trung lập, gọi về các cố vấn quân sự của họ tại Nhật và ngừng việc giao bất kì quân trang bao gồm cả việc giao Kōtetsu cho Mạc phủ. Mạc dù con tàu đang cập bến dưới cờ Nhật, Bộ trưởng thường trú Mỹ tại Nhật lúc bấy giờ Robert B. Van Valkenburg đã ra lệnh cho tàu được đặt dưới sự chỉ huy của thủy thủ đoàn của một hải đội Mỹ đang đóng quân tại đó ngay khi cập cảng Nhật.[11]

Kōtetsu dẫn đầu chiến tuyến, tại Trận hải chiến Hakodate.

Kōtetsu cuối cùng được giao cho chính phủ Minh Trị vào tháng 2 năm 1869. Tháng sau, Kōtetsu ngay lập tức được phái đi cùng với bảy tàu chiến hơi nước khác đến đảo phía bắc Hokkaidō, để chiến đấu với tàn quân của lực lượng Tokugawa đang được cựu cố vấn quân sự Pháp giúp đỡ để thành lập nước Cộng hòa Ezo độc lập ở đó. Với vai trò là kỳ hạm, nó được Shiro Nakajimo chỉ huy và điều khiển bởi 150 thủy thủ.[10] Vào ngày 25 tháng 3 năm 1869, trong trận hải chiến vịnh Miyako, Kōtetsu đã đẩy lùi thành công một đợt tấn công bất ngờ bởi tàu phiến quân Kaiten (dẫn đầu bởi những người sống sót của hội Shinsengumi), chủ yếu nhờ vào khẩu súng Gatling trên tàu.

Sau đó, Kōtetsu tham gia vào cuộc xâm lược của Hokkaidō và nhiều cuộc giao chiến khác trong trận hải chiến vịnh Hakodate. Sau khi kết thúc Chiến tranh Boshin, Kōtetsu được đổi tên thành Azuma vào ngày 7 tháng 12 năm 1872. Nó đã tham gia vào cuộc đàn áp cuộc nổi loạn Saga và trong cuộc thám hiểm Đài Loan năm 1874. Vào ngày 19 tháng 8 năm 1874, Kōtetsu mắc cạn tại Kagoshima trong một cơn bão, nhưng đã được cứu vớt và sửa chữa tại Quân xưởng Hải quân Yokosuka.

Kōtetsu được giao nhiệm vụ bảo vệ Nagasaki trong Trận Saga (1874) và Kobe trong Trận Seiman (1877).[10] Trong cuộc nổi loạn Satsuma, Kōtetsu được giao nhiệm vụ bảo vệ Biển nội địa Seto. Năm 1879, Kōtetsu được đưa vào phi đội thường trực trong Trạm Hải quân Takai.[12] Năm năm sau, con tàu được chỉ định là kỳ hạm của hải đội và tiếp tục nghĩa vụ quân sự cho đến ngày 28 tháng 1 năm 1888 khi nó được chuyển sang nhiệm vụ không chiến đấu trong cảng rồi sau đó bị loại khỏi đăng bạ và bị tháo dỡ trong năm.[12]

Kotetsu được trang bị tốt với súng ngang sườn, và được coi là "đáng gờm" và "không thể chìm" trong thời gian của mình. Nó có thể chịu liên tiếp những cú đánh trực tiếp mà không sợ lớp áo giáp của mình bị xuyên thủng và có thể chiến thắng bất kỳ tàu chiến gỗ nào. Do đó, Nhật Bản đã được trang bị một chiếc tàu chiến bọc thép tiên tiến chỉ mười năm sau khi ra mắt tàu chiến bọc thép đi biển đầu tiên trong lịch sử, chiếc Gloire của Hải quân Pháp được hạ thủy năm 1859.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Kōtetsu (tàu bọc thép Nhật) http://www.militaryfactory.com/ships/detail.asp?sh... http://milhist.dk/vabnet/the-armoured-ram-staerkod... http://www.ibiblio.org/hyperwar/OnlineLibrary/phot... http://www.ibiblio.org/hyperwar/OnlineLibrary/phot... https://sites.google.com/site/290foundation/histor... https://archive.org/details/KravitzNishiuraLtrJapa... https://archive.org/details/conwaysallworlds0000un... https://archive.org/details/historyofconfede0000sc...